Tính năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành tiêu điểm
cần thiết cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là với hàng hóa nông sản tại Việt
Nam. Giúp người dùng truy xuất tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản
phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi
sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.
Ví dụ, khi mua một miếng thịt lợn thì cần phải biết những thông
tin theo chuỗi như: miếng thịt từ lô lợn nào, do đơn vị nào sản xuất, con lợn
đó ăn thức ăn gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, do đơn vị nào sản xuất,
có giấy chứng nhận gì... hay những thông tin giao dịch (ngày xuất chuồng, sản
xuất, đóng gói, hạn sử dụng...). Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian
thực, ngày giờ với con số rõ ràng.
Hiệu quả của phần mềm truy xuất nguồn gốc
Về phía người tiêu dùng: thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...
Về phía doanh nghiệp: truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro
phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ
là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “bức
tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp
hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất
nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Về phía cơ quan nhà nước: Khi có sự có phát sinh về vệ sinh an
toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái,… Đơn vị quản lý sẽ dễ dàng hơn trong việc
truy xuất đơn vị gây ra sự cố. Hỗ trợ nhà nước, cơ quan chính quyền trong quá
trình quản lý những sản phẩm do các doanh nghiệp cung cấp.
Bên cạnh đó, truy xuất
nguồn gốc hàng hóa cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đối
với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc
thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa
xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá
trị chung. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm
soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người
tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong
nước.